Gần đây, người dân TPHCM đổ xô tìm sưa giống về trồng mong muốn kiếm được "tiền tỉ" trong thời gian nhanh nhất.
Tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, khi có thông tin gỗ sưa được cân kí bán với giá cao ngất ngưởng, người dân Đắk Lắk, Gia Lai...lùng mua sưa giống về trồng mong “đổi đời”.
Tại TP HCM, giá sưa giống được đẩy lên liên tục, thời gian đầu có giá từ 5.000-6.000 đồng/cây thì nay đã tăng lên con số hàng chục ngàn đồng. Giá tăng cao nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người mua. Nhiều khi muốn có “hàng” phải đặt trước, có khi nhiều tuần hoặc cả tháng.
Đắt như sưa
Trong vai người đi mua sưa về trồng, PV tới trụ sở Công ty bán sưa giống (nằm ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12).
Điều đầu tiên khiến chúng tôi ngạc nhiên là trụ sở công ty khá vắng người, khu vực vỉa hè có dựng một tấm bảng ghi dòng chữ “Chuyên cung cấp sỉ và lẻ giống cây sưa”.
Nằm bên dưới bảng có khoảng vài chục cây xanh nhỏ, cao chừng gang tay, thân cây thuôn hơi vẹo, đường kính nhỏ hơn ngón tay út người lớn, lá xanh hình lưỡi mác, chúng được chứa riêng biệt trong túi ni-lon màu đen.
Một thanh niên chừng 35 tuổi, tên Nguyễn Thành Nhân ra tiếp, anh giới thiệu là người quản lý trụ sở nơi đây. Sau khi biết được nhu cầu của chúng tôi, anh Nhân đã không ngần ngại cung cấp những thông tin cần biết kèm theo xấp giấy A4 giới thiệu cơ bản về kỹ thuật trồng sưa và giá trị kinh tế cùng lợi ích của nó mang lại.
Từ lúc thông tin gỗ sưa có giá trị kinh tế cao, người dân đổ xô tìm mua sưa giống về trồng khiến giá bị đẩy lên nhanh đến chóng mặt |
Anh Nhân cho biết, sưa giống anh đang bán được ươm hạt ở các tỉnh phía Bắc, sau khi lớn lên thành cây được chừng vài tháng tuổi thì mang vào TPHCM. Giá bán sỉ số lượng 500 – 1.000 cây từ 3 tháng tuổi có giá 20.000đồng/cây, 7-8 tháng tuổi có giá 40.000 đồng/cây. Nếu bán lẻ giá sẽ cao hơn từ vài chục ngàn đồng tùy theo loại.
Chúng tôi lấy cớ muốn mua số lượng lớn và cần nhiều cây sưa đa dạng tuổi, anh Nhân dẫn chúng tôi đến một khu nhà vườn cũng nằm trên địa bàn Q.12. Nơi đây có rất nhiều cây sưa giống được để dọc theo hàng rào kẽm gai, lớp thì nằm riêng từng nhóm, sắp xếp theo “độ tuổi”.
Anh Nhân nói, những cây này đã có đơn đặt hàng từ trước, số lượng hàng ngàn cây. Người mua tập trung ở các khu vực vùng ven thành phố như Q.12, Q.2, Thủ Đức, Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Chánh...hay các tỉnh xa hơn như Long An, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận và các tỉnh miền Tây.
“Cây con đem trồng phải từ 4-6 tháng tuổi, đường kính cổ rễ từ 4-5mm, chiều cao từ 25-50cm là tốt nhất. Giá bán lẻ 35.000 đồng/cây, nếu mua sỉ số lượng nhiều thì giảm chục ngàn đồng/cây” – anh Nhân liến thoắng.
Khách hàng đang thương lượng với nhà vườn để mua sưa giống |
Anh Nhân luôn miệng chắc chắn, hiện nay nhiều người đang tìm sưa để trồng vì lợi nhuận kinh tế cao, sưa lại dễ trồng bất cứ đâu, không kén đất, nếu chăm bón kỹ thì cây phát triển nhanh. Cây sưa trồng 10 năm, sinh trưởng trung bình có đường kính trên 25cm, cao 13m.
Tuy nhiên, ta không nên trồng lâu năm quá mà chỉ khoảng 4-5 năm bắt đầu “thu hoạch” là vừa, giá bán lại khá cao từ 10-15 triệu đồng/cây, trồng lâu năm quá lỡ giá rớt thì không có lãi. “Do đặc điểm hoa trắng, có mùi thơm, tán rộng, nên người ta có thể trồng làm cảnh, che bóng mát tại các đường phố, công viên” – anh Nhân cho biết thêm.
Chia tay anh Nhân, PV tìm đến những nơi có “show room” sưa đóng trên địa bàn lân cận như Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Chánh. Tại đây, người bán sưa thuê gian hàng nằm bên hông, hoặc trước mặt tiền các siêu thị treo băng rôn, bảng hiệu bắt mắt để dễ bề giao dịch, nhiều người biết đến.
Giống cây sưa "chen chân" vào siêu thị |
Một “showroom” nằm kế bên Coop Mart Gò Vấp, khi hỏi về giá sưa, người bán cho giá khá cao so với những gì chúng tôi tìm hiểu thông tin trước đó ở Q.12. Cụ thể, giá bán lẻ 80.000 đồng/cây cho sưa từ 6 tháng tuổi, 100.000đồng/cây cho 10 tháng tuổi. Anh này cho biết, nếu mua giá sỉ được tính từ 50.000 - 60.000 đồng/cây, những cây này được ươm hạt ở Vĩnh Long.
Tuy nhiên khi anh ta đưa những tờ rơi quảng cáo, chúng tôi phát hiện lại có cùng thông tin và địa chỉ mà anh Nhân đã đưa cho chúng tôi trước đó (!?).
Săn lùng đồ cổ làm từ sưa
Chưa có một loại cây lấy gỗ nào giá bán được tính theo "kí", thậm chí theo "lạng" như sưa đỏ. Giá thu mua hiện nay rất cao, 5 triệu đồng/kg, có khi lên đến hàng chục triệu đồng/kg tùy theo gỗ. Thị trường xuất khẩu là chính, Trung Quốc là nước đứng đầu về tiêu thụ sưa. Hiện tại người ta lùng mua đồ gia dụng làm bằng gỗ sưa, các loại đồ cổ như giường, tủ, bàn ghế cũ với giá 2,5 triệu đồng – 4 triệu đồng/kg tùy theo tốt xấu.
"Có nhiều ý kiến về công dụng của gỗ sưa, nhưng rõ ràng nhất là dùng để làm hàng gia dụng, nói chính xác hơn là bàn ghế thờ cúng, tượng phật, thần tài, ông địa… Vì hàng ngày được lau sạch bóng nên bàn thờ toát ra vẻ đẹp kỳ diệu và linh thiêng của nó" - nội dung tờ rơi quảng cáo thể hiện - "Theo quan niệm của người Trung Quốc thì đồ gia dụng như tủ, bàn, ghế ... được làm từ gỗ sưa đỏ thì gia chủ sẽ làm ăn phát tài phát lộc. Cây sưa thường gắn với các điển tích của Phật giáo, do đó ngày nay người ta làm những xâu tràng hạt với giá vài nghìn USD".
Những vật dụng "đồ cổ" được làm từ gỗ sưa, hiện nay được các thương lái săn lùng mua với giá rất cao. |
Một số thông tin cho rằng, gỗ sưa đỏ còn có dược tính đặc biệt, trị được căn bệnh viêm xương. Từ lâu, người Trung Quốc đã chiết xuất từ lõi cây sưa đỏ ra một loại chất và điều trị bệnh viêm xương rất hiệu quả. Dầu ép từ gỗ sưa còn dùng để chế hương liệu cho ngành sản xuất nước hoa hảo hạng. Ngoài mục đích chính lấy gỗ, hoa sưa đẹp, thơm nên cũng có thể dùng làm cây cảnh, che bóng mát.
Lý giải cho việc giá sưa bị đẩy lên mức “khủng”, một giáo sư có nhiều năm tìm hiểu về chủng loại này cho biết: “Gỗ sưa có màu vàng nhạt, lõi màu thẫm hơn, có mùi thơm như trầm, đặc biệt nó có vân gỗ bốn mặt chứ không chỉ hai mặt như các loại gỗ khác và khi đưa ra ánh sáng thấy óng ánh 7 màu. Thời vua chúa phong kiến, gỗ sưa dùng để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu.
Những năm gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc quay ra săn lùng sưa để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Đại Hán trước đây. Được biết, quan tài đóng bằng gỗ sưa có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy. Tuy nhiên giá trị đích thực của nó lại thuộc về vấn đề tâm linh. Người ta quan niệm nếu chết được chôn bằng quan tài hoặc được ướp bằng bột sưa thì linh hồn người chết dễ được siêu thoát, đem lại điều may mắn cho gia đình”.
Dịch vụ "ăn theo" sưa
Theo giới thạo sưa, việc người dân nghe thông tin về giá cả cao ngất ngưởng của chúng nhưng lại không hiểu biết rành về loại cây này, bỏ ra số tiền không nhỏ để mua sưa giống về trồng có khi “tiền mất tật mang”. Để phân biệt giống sưa đỏ và sưa trắng rất khó vì đa phần cây giống đang ở giai đoạn còn nhỏ vài tháng tuổi, chưa định hình được hình dáng hay có những đặc điểm riêng biệt để so sánh. Trong khi nguồn gốc, xuất xứ sưa giống thì người mua không nắm tận tường, rõ ràng.
Anh Trần Thành Long - Giám đốc một Công ty chuyên bán Sưa cho biết, “Sưa còn có nhiều tên gọi khác là huê mộc vàng, hoàng hoa lê… Nhận biết cây sưa đỏ và sưa trắng không thể căn cứ vào lá. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng không đáng có. Bởi xét về giá trị kinh tế chỉ có sưa đỏ có giá, còn sưa trắng thì rất ít".
Trước đây công nghệ sinh học chưa ra đời, việc nhận biết loài cây này được thực hiện thông qua hình thái bên ngoài của nó, nhưng độ chính xác không cao và có nhiều hạn chế. Để phân biệt chính xác gỗ sưa hiện nay, công nghệ sinh học đã khắc phục được những nhược điểm của chỉ thị hình thái và đưa ra hàng loạt các chỉ thị phân tử DNA để đánh giá đa dạng di truyền. Điều này thì không phải ai cũng tiến hành làm được, bởi chi phí khá cao, tốn kém thời gian.
Theo một quảng cáo trên mạng, để tư vấn những cây đã trồng mà không biết đúng sưa đỏ hay không, nơi này đưa ra giá tư vấn và kiểm định là 50 triệu đồng/vườn (tối thiểu 1ha, tối đa 10ha). Trả trước 50%, phần còn lại thanh toán hết khi giao kết quả kiểm tra.
Được biết, cây sưa đỏ, hay còn gọi là cây huỳnh đàn lõi đỏ, huê, trắc thối…, tên khoa học là Dalbergia tonkinensis (Prain) thuộc họ đậu. Là cây gỗ nhóm IA, được xếp vào loại cực kì quý hiếm. Hiện nay, nó là loài đang bị đe dọa do mất môi trường sống. Tuy nhiên, tại Việt Nam đã có người nhân giống được cây sưa góp phần giúp loài cây này tồn tại và phát triển.
Giới chuyên gia nông nghiệp và các nhà khoa học Việt Nam lại cho rằng, gỗ sưa chỉ là loại nhóm 2, thường dùng làm bàn ghế, lọ, lục bình hoặc kèo cột trong nhà, cũng giống như nhiều loại gỗ khác. Tuy nhiên, giá trị của chúng được “đẩy” lên khi có thông tin lái buôn Trung Quốc thu mua với giá rất cao, nên hiện nay nhiều người chạy theo phong trào trồng loại cây này.
Không ít người vì nghĩ lợi ích trước mắt nên sẵn sàng hạ bỏ những cây trồng, vật nuôi khác lại tập trung đầu tư tiền bạc, công sức cho việc trồng sưa mà chưa biết rõ giá trị thực của chúng như thế nào? “đầu ra” có ổn định lâu dài hay không? Điều này cần phải có định hướng rõ ràng, giải pháp cụ thể.
Một cán bộ trong ngành nông nghiệp nhận định, việc trồng sưa không khó khăn gì lắm, tuy nhiên thời gian từ khi trồng đến lúc khai thác - cho giá trị gỗ, thành phẩm để chế tác, khoảng trên dưới 20 năm, với thời gian dài như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến việc đầu tư, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi khác đang cho thu nhập thực, ổn định.
Mặt khác, liệu có đảm bảo được giá gỗ sưa không rớt giá?. Vậy nên người dân phải cân nhắc kỹ trước khi “nhắm” vào loại cây này để đầu tư. Tình hình này nếu không lường trước được thì hậu quả cũng có thể như việc trồng dưa hấu, khoai lang, nuôi ốc bươu vàng tại Việt Nam trước đây khiến người dân lao đao, thiệt hại kinh tế không nhỏ, cơ quan chức năng vất vả vào cuộc.
( Cập nhật theo VTC)