Tin tức » Tin tức thời sự

Ngôi nhà trăm tuổi ở Châu Đốc

2012-06-29 10:57:30

Theo TBKTSG

 

Ngôi nhà thờ họ Lê Công được khởi công từ năm 1908 và hoàn thành sau bốn năm xây dựng (1912). Trước gian thờ chính giữa có cẩn xà cừ năm khánh thành ngôi nhà. Ảnh: Kim Dung

Đó là phủ thờ của dòng họ Lê Công, nằm trên đường Lê Lợi, mặt quay ra ngã ba sông về hướng Tân Châu. Người đến Châu Đốc lần đầu, chưa rành đường sá, cứ hỏi người dân ở đây, “Nhà lớn” ở đâu? sẽ được chỉ dẫn đến ngôi nhà trăm tuổi (1912-1012). Giá trị của ngôi nhà cổ này không chỉ ở tuổi thọ của công trình mà còn quý hiếm vì nội thất cổ xưa và giá trị tinh thần được tôn vinh, bảo tồn của một dòng họ ở Châu Đốc.
 
Thuở xa xưa, vùng đất này toàn là rừng rậm, đầm lầy lau sậy hoang vu có nhiều thú dữ; không làng, không xóm, chỉ có một cái đồn binh trấn giữ vùng biên, đương thời gọi là thành Châu Phú (hoặc Châu Đốc đồn), quan binh triều đình khoảng vài trăm người trấn thủ.
 
Theo ghi chép của gia tộc Lê Công thì dòng họ này đã có mặt tại trấn Châu Đốc (nay là thị xã thuộc tỉnh An Giang) từ những ngày đầu khẩn hoang mở đất (từ khoảng năm 1785-1837). Qua nhiều đời tiếp nối khai phá khẩn hoang đất Châu Đốc, họ Lê Công đã có nhiều công lao đáng kể trong việc hiến đất, xây dựng trường học, chợ và nhà thương từ khi còn là trấn Châu Đốc cho đến thời Pháp thuộc.
 
Ngôi nhà cổ quý hiếm
 

Ngôi nhà thờ họ Lê Công được khởi công từ năm 1908 và hoàn thành sau bốn năm xây dựng (1912) trong khuôn viên khoảng một mẫu. Bao quanh khu đất là hàng rào song sắt, với hai cổng chính nằm phía trước sân. Chúng tôi bước qua chiếc cổng chính nằm bên tay phải để vào bên trong. Phía trước có sân trồng cây kiểng quý và hoa phong lan.
 
Dáng vẻ kiến trúc bên ngoài ngôi nhà trông tựa như những tòa nhà của người Pháp xây dựng ở Việt Nam thời ấy, nhưng bên trong mang đậm kiến trúc thuần Nam bộ. Mái nhà theo kiểu “bánh ếch” (bốn mái, lợp ngói, có mái ở giữa cao như chiếc bánh ếch ngày xưa hay gọi nay thường gọi là “bánh ít”) với ba gian hai chái.
 
Mặt tiền nhà có ba cửa chính, bao quanh ba khung cửa được trang trí thảm hoa văn, cây cỏ rất sắc sảo làm sáng lên khung cửa và vòm cửa. Bề ngang cửa chính đi vào ngôi nhà thì nhỏ, nhưng cao và vòm cửa cong như lối kiến trúc thời Pháp. Vách được xây bằng gạch. Hành lang bao quanh rộng ba mét với những ô cửa mái vòm thông gió có lợp ngói và bên trên là phù điêu hình hoa lá được đắp nổi. Nền nhà được bao quanh bằng đá tổ ong. Các cửa sổ cũng với mái vòm cong nhưng rộng lớn, sử dụng kiểu cánh cửa gỗ lá sách - một kiểu cửa che mưa nắng nhưng rất thoáng khí và không bịt hết ánh sáng tự nhiên khi đóng kín cửa sổ.
 
Dáng vẻ bên ngoài ngôi nhà trông như những tòa nhà của người Pháp xây dựng ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, theo kiểu nhà “bánh ếch” (nhà bốn mái, lợp ngói, có mái ở giữa cao như chiếc bánh ếch ngày xưa hay gọi nay thường gọi là “bánh ít”) với ba gian hai chái. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Bước vào bên trong, đặt chính giữa nhà là một bộ bàn ghế cẩn ốc xà cừ, mặt ghế và lưng tựa ốp phiến đá cẩm thạch trông sang trọng (nghe nói, ngày xưa, chỉ những vị khách quan trọng mới được mời ngồi bộ ghế này). Hai bên của bộ bàn ghế đó còn có mấy bộ bàn ghế khác, mỗi bộ có bốn ghế bành bằng gỗ cẩm lai chạm trổ rất tinh xảo, đều cẩn xà cừ và đá cẩm thạch. Kế tiếp là hai bộ ván cẩm lai dài hai mét rưỡi, dày năm phân rưỡi, lâu ngày lên nước bóng lưỡng, soi mặt cũng được. Ngang với hai bộ ván là hai chiếc bàn tròn cũng bằng gỗ cẩm lai, mặt bàn đường kính một mét hai là một tấm gỗ ròng xẻ từ nguyên thân cây cổ thụ.
 
Trên trần nhà phòng tiếp khách treo một loạt sáu cây đèn chùm pha lê (sản xuất tại Pháp) quanh một cây đèn ‘măng sông’ treo chính giữa. Các hàng cột cao được ốp liễn đối, chạm xà cừ lộng lẫy.
 
Nhìn thẳng vào bên trong là ba bàn thờ lớn. Chính giữa là bàn thờ cửu huyền thất tổ của dòng họ và ông bà tổ, hai bên thờ các vị tổ kế tiếp. Trước ba bàn thờ này có ba ‘giường thờ’ dùng để cúng giỗ hay dùng để thức cúng trong các ngày lễ lớn. Trước các giường thờ là ba tủ thờ bằng gỗ cẩm lai có cẩn ốc xà cừ rất đẹp, chạm trổ hết sức công phu hình ảnh tích truyện Tam Quốc Chí của Trung Quốc (rước thợ khảm từ miền Bắc vào làm). Hình ảnh được chạm khắc và cẩn nổi rõ từng ngọn cỏ, cờ xí các trận đánh như trận Xích Bích, cảnh Quan Công phục binh đón Tào Tháo… Trên đầu tủ là lư hương theo kiểu mắc tre lá cành chi chít, chim chóc đậu trên cành.
 
Mặt vách bàn thờ chính có bốn bức tranh cẩn xà cừ theo chủ đề bốn mùa ‘tứ quí’ mai, lan, cúc, trúc. Hai vách hai bàn thờ hai bên treo tranh sơn thủy vẽ hình núi, nguồn nước và cây cổ thụ với ý nghĩa ‘cây có cội, nước có nguồn’. Cặp hai bên mỗi bức tranh sơn thủy lại có hai tấm liễn được cẩn xà cừ hai câu đối theo lối thư họa; dùng hình ảnh như con rồng uốn khúc, chim phụng múa hoặc con chim đậu trên nhánh cây... để thể hiện các nét phết, nét đá (hất ngược lên) hay nét xổ ngang… của chữ Nho. Tiếp nối là các bàn thờ đâu mặt nhau cũng thờ các vị nhỏ hơn và theo đó các bàn thờ càng xa bàn thờ chính là thờ cô cậu, chú bác dì… trong tộc họ.
 
Trần nhà của ba gian phòng khách này còn có ba ngọn đèn với kiểu dáng khác nhau cổ kính theo kiểu Pháp quốc rất đẹp. Mỗi ngọn có 10 bóng đèn, mỗi bóng đều có chụp đèn bằng pha lê. Kèo, đòn tay, cột, pla phông cũng toàn bằng gỗ quý. Trên cùng là thờ sắc thần. Muốn đi lên chỗ để sắc thần phải đi đường cầu thang riêng biệt và chỉ có những người có trách nhiệm mới được lên chỗ thiêng liêng đó.
 
Giá trị của một di tích
 
Bàn thờ giữa là bàn thờ quan trọng nhất, thờ những vị tổ tiên cao nhất của dòng họ; trong đó có bà Huỳnh Thị Phú là bà tổ, người có công lao lớn nhất trong họ.
 
Con cháu trong gia tộc kể lại rằng vùng Châu Đốc xưa thường hay bị lũ lụt vào các tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Có năm lũ lụt hoành hành, thất mùa, nhiều người dân lâm cảnh đói khát, bà Huỳnh Thị Phú đã làm đơn xin vay lúa của triều đình để cứu tế dân nghèo. Ở Châu Đốc đồn, có kho dự trữ lương thực của triều đình để phòng khi có giặc ngoại xâm, việc sản xuất bị trở ngại thì quân binh có lương thực dùng để đối phó, bảo vệ biên cương.
 
Chính giữa là bàn thờ những vị tổ tiên cao nhất của dòng họ. Trên cùng là bàn thờ Thượng đẳng Đại thần Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Kim Dung

Trước tình cảnh dân chúng trong vùng và nhân công khẩn hoang lập ấp đói ăn, bà đã nhiều lần dâng sớ tâu rõ sự tình thương tâm và đứng ra chịu trách nhiệm, xin vay lúa của triều đình để cứu tế. Nhờ uy tín và công đức của bà và gia tộc Lê Công nên triều đình cho vay với điều kiện cam kết trả lúa đúng hạn vào mùa lúa năm sau, nếu không trả đủ sẽ mắc tội với triều đình và chịu án “tru di tam tộc”. Bà đã mạnh dạn cam kết chịu trách nhiệm.
 
Bà Huỳnh Thị Phú cũng đã lập một nhà thương, rước danh y về chẩn trị, bốc thuốc miễn phí cho dân nghèo trong xóm ấp. Bà còn mở lớp học, rước thầy dạy chữ Nho cho con em trong vùng. Những lúc biên giới xảy ra chuyện can qua, dân tình lao đao, đời sống khốn khổ, nhiều gia đình ly tán... Nhiều trường hợp, vì không nuôi nổi con nên đem con thả chúng vô rừng hoặc cột trẻ em trai gái vào bè thả trôi sông, cầu mong có người cứu giúp con cái họ thoát cảnh chết đói! Bà Huỳnh Thị Phú cho người vớt vào nuôi hết.
 
Những việc làm nhân đức cũng như công lao khai hoang lập ấp, mở rộng đất đai canh tác, nỗ lực cải thiện cuộc sống cho cộng đồng của các vị tổ tiên tộc họ Lê Công tại xã Châu Phú đã được triều đình ở Huế ghi nhận và nhà vua ban chiếu sắc phong cho ông Lê Công Thoàn (ông tổ lớn nhất) chức “Tiền hiền” làng Châu Phú và phong ông Lê Công Bích chức vụ “Tổng binh”, nắm binh quyền trong tỉnh đặng lo việc binh bị giữ yên bờ cõi. Sau đó, ông Lê Công Bích còn được triều đình phong là "Hậu hiền" làng Châu Phú. Bấy giờ nhà Nguyễn cho lập ra trấn Châu Đốc (nay thuộc tỉnh An Giang).
 
Triều đình còn dành cho tộc họ Lê Công ở Châu Đốc một vinh dự khác là ban chỉ triệu về cung tiếp nhận sắc phong của Thượng đẳng Đại Thần Nguyễn Hữu Cảnh. Trong chiếu chỉ vua ban, có ghi: Vì tưởng nhớ công cao dày đức trọng của ông Nguyễn Hữu Cảnh ba lần đem quân dẹp giặc Cao Miên xâm lấn biên giới và lập công cuộc bảo hộ đất Miên, sắc này đã lập và phong chức Đại Thần từ đời vua Minh Mạng nhưng lựa không được người xứng đáng để thờ vị Thượng đẳng Đại thần nầy. Sau còn phong chức Lễ Thành Hầu tất cả là hai chức.

Xét vì ông Lê Công Thoàn có công lao khó nhọc khai hoang lập ấp và lập làng Châu Phú. Ông Lê Công Bích nối tiếp cha khai cơ lập nghiệp cho dân, làm quan Tổng Binh công bình chánh trực, biết thương dân. Nay hai ông xứng đáng được thờ vị linh thần này. Còn nghi thức tế lễ được đúng quy cách thì họ Lê Công phải đảm nhiệm và sau này phải phái người đến triều đình (bộ Lễ) đặng học nghi cách theo cuộc tế lễ Nam Giao.
 
Ngày nay, trên bàn thờ chính giữa Lê Công phủ vẫn còn thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ngoài ra, đình thần Châu Phú nơi thờ vị Thượng đẳng Đại thần Nguyễn Hữu Cảnh tọa lạc cạnh chợ Châu Đốc, góc đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Thoại, thuộc phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Lễ kỳ yên được tổ chức hàng năm ở đình này từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 5 âm lịch.
 
Kỷ niệm nhà cổ 100 tuổi
 

 Vừa rồi, Lê Công phủ tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày xây dựng (1912-2012). Trước khi tổ chức lễ cúng, gia đình cử một đoàn (gồm bộ lễ và người đại diện dòng họ) đến nhà thờ tổ tiên ở khu mộ gia tộc (cách phủ thờ 3 km), rước tổ tiên về phủ để chứng giám. Sau đó mới cử hành các nghi lễ.
 
 
 
Lễ kỷ niệm Lê Công phủ tròn 100 tuổi. Ảnh: Kim Dung

Người chủ trì buổi lễ đứng giữa gian phủ thờ khởi ba hồi trống khai lễ; tiếp theo là giàn trống kèn và giàn nhạc xướng lên theo lệnh điều khiển tế lễ của chủ lễ. Nghi thức tuần tự là lễ dâng hương, đăng, trà, tửu theo cung cách ‘nhất bộ nhất bái’ của người chủ lễ và hai cặp dâng lễ cúng của bộ lễ. Tất cả các thức cúng đã được dọn sẵn trên các giường thờ. Bên cạnh đó đứng trước tất cả bàn thờ đều có người mặc áo dài khăn đóng để bái lạy theo hiệu lệnh chung (tam bái hay nhị bái …).
 
Lễ cúng được thực hiện theo ba hồi tuần tự như nhau. Sau phần nghi thức là phần tuyên sớ nêu ý nghĩa của buổi lễ. Nghi thức tuyên sớ vẫn được gia tộc Lê Công dùng sớ văn bằng Hán tự theo tục lệ từ xưa truyền lại. Kết thúc nghi thức tế lễ, con cháu trong gia đình lần lượt đến lạy các bàn thờ.
 
100 năm trôi qua, ngôi nhà cổ này chứng kiến biết bao cảnh vật đổi thay, từ trong dòng tộc Lê Công đến xã hội chung quanh. Lịch sử đất nước cũng đã bao lần sang trang, phong hóa thay đổi... nhưng hậu duệ dòng họ Lê Công vẫn bảo tồn nguyên vẹn giá trị Lê Công phủ, không chỉ là giá trị kiến trúc của ngôi nhà hay nội thất cổ xưa mà cả những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, thể hiện qua văn hóa ứng xử với quá khứ trên tinh thần "uống nước, nhớ nguồn".

Tác giả: Lâm Văn Sơn