Tin tức » Thông tin tài chính

Doanh nghiệp thoi thóp, ngân hàng lãi khủng

2012-06-18 15:41:59

Hầu hết lợi nhuận của ngân hàng đến từ lãi cho vay thu được từ doanh nghiệp. Chênh lệch giữa lãi suất ngân hàng huy động của dân và cho doanh nghiệp vay đã lên tới 3,5-4,5%.


Chắc chắn nhiều người sẽ bị “sốc”nặng nếu nhìn vào bảng kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại năm 2011 và bốn tháng đầu năm 2012, trong đó doanh nghiệp đang lỗ nặng còn lợi nhuận của 71 ngân hàng vẫn tăng mạnh.

 

Đây chính là điều bất thường của nền kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải thay đổi cơ chế vận hành hiện nay...

Lãi 97.000 tỉ đồng

Dựa trên số liệu quản lý thuế của các doanh nghiệp thuộc 63 cục thuế, căn cứ trên 256.000 tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, theo Tổng cục Thuế, tổng doanh thu của các doanh nghiệp là 7,5 triệu tỉ đồng, tuy nhiên tổng chi phí (gồm cả chi phí mua nguyên vật liệu, nhân công...) đã lên tới 7,2 triệu tỉ đồng (chiếm 97% doanh thu). Đáng lưu ý, trong tổng chi phí trên, riêng chi phí trả lãi vay đã lên tới 466.000 tỉ đồng.

Đồ họa: VĨ CƯỜNG - Ảnh: THANH ĐẠM

Điều đáng nói là tỉ lệ nghịch với chi phí của các doanh nghiệp nêu trên, qua tổng hợp số liệu của 71 ngân hàng thương mại, Tổng cục Thuế khẳng định thu nhập của các ngân hàng đã tăng rất... khủng.

 

"Tôi đi thẩm định thấy mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ 2,5-2,6% ngân hàng đã sống tốt rồi, nay mức chênh đến hơn 3% thì quá mức"

Ông Nguyễn Đại Lai (nguyên phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước)

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (chưa trừ trích lập dự phòng rủi ro) năm 2011 lên tới trên 97.000 tỉ đồng, tăng gần 45% so với năm 2010. Ngay cả khi đã trích lập dự phòng, tốc độ tăng lợi nhuận cũng lên đến gần 30%.

Đặc biệt, trong quý 1-2012, theo Tổng cục Thuế, khi có tới 70% trong tổng số 258.000 doanh nghiệp khảo sát thua lỗ, với số lỗ lên tới trên 40.000 tỉ đồng, thì các ngân hàng vẫn theo xu hướng lãi. “Về cơ bản, các ngân hàng đều vẫn có doanh thu từ hoạt động kinh doanh tín dụng với xu thế tăng cả về quy mô và tỉ lệ” - Tổng cục Thuế khẳng định.

Cao như lương... ngân hàng

Cùng với mức thu nhập tăng, thông tin từ cơ quan thuế cho biết trong khi kinh tế khó khăn, cắt giảm chi tiêu thì chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng đột biến, từ 54.000 tỉ năm 2010 tăng thêm tới trên 76.000 tỉ năm 2011. Trong đó, chi phí tiền lương của ngân hàng tăng rất nhanh. Cụ thể, theo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, thu nhập bình quân đầu người trong ngân hàng đã tăng từ 7 triệu đồng/người/tháng năm 2007 lên 15-21 triệu đồng/người/tháng năm 2011, gấp 2-3 lần mức lương bình quân toàn nền kinh tế. “Nguyên nhân chủ yếu do cơ chế chính sách tín dụng giúp các ngân hàng có mức lãi lớn thời gian qua” - cơ quan thuế nhấn mạnh.

Các ngân hàng đã hạch toán chi phí tiền lương vào chi phí hợp lệ, chiếm tới 55-60% chi phí hoạt động tài chính, góp phần giúp các ngân hàng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp (trong khi các doanh nghiệp khác năm 2011 phải dành 80% chi phí tài chính để trả lãi vay). Do đó, “kiến nghị với Ngân hàng nhà nước có những quy định chặt chẽ hơn về tiền lương, cần thiết có sự khống chế ở mức hợp lý đối với lương được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh nhằm tạo bình đẳng cho các thành phần kinh tế và tránh thất thu ngân sách nhà nước” - cơ quan thuế kiến nghị.

Chênh lệch huy động và cho vay: 3,5-4,5%

Hầu hết lợi nhuận của ngân hàng đến từ lãi cho vay thu được từ doanh nghiệp. Chênh lệch giữa lãi suất ngân hàng huy động của dân và cho doanh nghiệp vay đã lên tới 3,5-4,5%. Trước thực trạng doanh nghiệp lỗ, khó khăn trên diện rộng trong khi các ngân hàng lãi lớn, trong báo cáo, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế kiến nghị để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo biện pháp giảm lãi suất đi vay và đem cho vay của các ngân hàng từ mức 3,5-4,5% hiện tại xuống mức 2,2-2,5%.

Theo một quan chức Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân các ngân hàng phải đưa mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay cao là vì nợ xấu. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ khi các ngân hàng năng lực kém hoặc có “vấn đề” khi cho vay khiến phát sinh nợ xấu, phải trích quỹ dự phòng thì họ sẽ tính tất cả rủi ro đó vào chi phí kinh doanh. Các ngân hàng từ đó sẽ buộc phải đẩy mức lãi suất cao lên và bắt tất cả các doanh nghiệp phải chịu. Như vậy là từ cái yếu kém của vài doanh nghiệp mà tất cả nền kinh tế phải chịu chung mức lãi suất cao.

TS Nguyễn Đại Lai, nguyên phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), là người từng đi thẩm định chi phí của các ngân hàng thương mại những năm trước đây - cho rằng cần áp dụng mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động theo một cách “có đạo lý” hơn. Theo ông Lai, các ngân hàng có thể đã làm vênh các con số để đưa mức dự phòng rủi ro lên cao, đẩy lãi suất lên, trong khi nếu quản trị tốt nguồn vốn đã có thể giảm rủi ro. Cụ thể, ông Lai cho biết các ngân hàng luôn có dòng tiền về phục vụ thanh toán giữa các doanh nghiệp. Nguồn tiền này gần như không thời hạn, lãi suất gần như không có. “Vì vậy các ngân hàng VN cần tính toán để giảm chi phí, giảm lãi suất”- ông Lai đề nghị.

Theo Xuân Toàn - Cẩm Văn Kình

Tuổi trẻ