Sau khi Ngân hàng nhà nước hoàn thiện dự thảo thông tư cho vay mua nhà nằm trong gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng và đưa ra để lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan, dự thảo thông tư này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đảm, doanh nghiệp khát vốn, việc có được 1 gói tín dụng với lãi suất thấp, cho vay trong thời hạn dài được người dân và doanh nghiệp đạt nhiều kỳ vọng.
Góc nhìn từ cơ quan quản lý nhà nước
Gói 30 nghìn tỷ tuy nhỏ nhưng rất quan trọng
Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng
Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để những người nghèo, những cán bộ công chức, viên chức, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang, công nhân của khu công nghiệp, những người khó khăn, người lao động đô thị đang ở trong những ngôi nhà chật chội được vay để mua nhà hoặc vay để thuê nhà hoặc vay để thuê mua nhà ở. Gói tín dụng này tuy nhỏ nhưng rất quan trọng để không thu tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở xã hội. Đây sẽ là một gói kích cầu để tăng tiêu dùng, từ đó tăng sản xuất nói chung và tạo sự tăng trưởng kinh tế.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không phải là liều thuốc chữa bách bệnh
Giáo Sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường
Tôi cho rằng, không nên coi gói hỗ trợ như một liều thuốc chữa bách bệnh mà chỉ là giải pháp tài chính để tăng giao dịch cho khu vực tồn đọng. . Chúng ta cũng đừng hy vọng gói hỗ trợ này sẽ mang tính đột phá cho thị trường. 30.000 tỷ đồng sẽ tác động một phần nào đó làm ấm thị trường bất động sản, không phải giải pháp tạo sức đẩy lớn. Đây là một giải pháp giản dị, hỗ trợ bên cung để chuyển đổi và hỗ trợ bên cầu để có thể mua được nhà. Nếu muốn giải quyết kho bất động sản tồn đọng thì giải pháp căn cơ nhất vẫn là thành lập công ty mua bán bất động sản tồn kho.
Mang lại sự bình ổn của thị trường bất động sản
Ông Nguyễn Văn Bình, Thông đốc Ngân hàng Nhà nước
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mà Chính phủ dự kiến sẽ đưa ra trong thời gian tới nhằm mục đích mang lại sự bình ổn của thị trường bất động sản, nó sẽ có tác động lan tỏa tốt với nền kinh tế. Gói hỗ trợ này hướng tới người sử dụng, đối tượng mua nhà, trong đó ưu tiên số một là những đối tượng chính sách xã hội và người thu nhập thấp.
Ngoài những hỗ trợ về chính sách, tài chính, cần phải đảm bảo nguồn cung phù hợp với đối tượng mua nhà. Nếu không có nguồn cung thì phải chuyển đổi công năng một số dự án sang cho phù hợp với nhu cầu. Vì vậy, cũng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp làm nhà chuyển sang phân khúc này.
Góc nhìn từ doanh nghiệp phát triển dự án
Phù hợp với thời điểm hiện tại
Ông Nguyễn Văn Đực – Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp 6%/năm phù hợp với khả năng hiện nay của Nhà nước, với nhu cầu của thị trường cũng như cân đối với các ngành kinh tế khác. Chính điều này sẽ góp phần làm vực dậy thị trường trong giai đoạn khó khăn.
Đối với doanh nghiệp, thời hạn 3 năm cũng là khoảng thời gian hợp lý để các doanh nghiệp có thể vực dậy sau giai đoạn khó khăn hiện nay, sau 3 năm nếu nền kinh tế dần ổn định, lạm phát giảm thì khi đó lãi suất cũng sẽ giảm dần. Đối với người vay mua nhà, sau 3 năm số nợ gốc sẽ giảm, cộng với lãi suất thấp thì số tiền phải đóng cũng sẽ ít đi.
"Gói kháng sinh vừa đủ"
Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám Đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn
Theo tôi thì đây là việc làm cần thiết của Ngân hàng nhà nước và Chính phủ, vì thị trường bất động sản đã trì trệ quá lâu, dẫn đến hàng loạt ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng theo như xây dựng, xi măng, sắt thép, nội thất,…
Tất nhiên, chúng ta phải hiểu thị trường bất động sản bị bệnh đã khá lâu. Nếu chúng ta không trị bệnh từ từ theo từng gói kích cầu mà sử dụng gói kháng sinh cực cao chưa phải là tốt trong lúc này. Phải làm cho thị trường dần hồi phục và phải dần tạo lại niềm tin cho người dân có nhu cầu mua nhà. Tôi nghĩ đây là bước đầu nhằm khôi phục thị trường, chúng ta không nên nghĩ gói kích cầu này là thuốc tiên uống vào là thị trường sẽ sốt nóng, vì nghĩ như vậy là thiển cận.
Góc nhìn từ công ty tư vấn, quý đầu tư BĐS trong và ngoài nước
Gói 30.000 tỷ cho bất động sản vẫn quá bé
Ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills
Gói 30.000 tỷ đồng với mục tiêu hỗ trợ thị trường BĐS là một tin tốt cho thị trường BĐS, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với thị trường này, nhưng tác động thực của nó lên thị trường hiện vẫn chưa đo được. Hơn nữa, về mặt kỹ thuật, số tiền này quá bé so với thị trường. Đồng thời, để gói này vào thực tiễn, còn liên quan đến nhóm định hướng, quy trình thủ tục hành chính mất rất nhiều thời gian.
Yếu tốc tích cực đến quyết định mua nhà
Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE
Khoản tín dụng hỗ trợ mua nhà 30.000 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian tới đây là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người dân. Ngoài ra còn một số yếu tố khác như trần lãi suất giảm, giá vàng giảm, tỷ giá ổn định, khiến nhà đầu tư sẽ chuyển kênh đầu tư từ tiết kiệm, vàng, USD sang kênh khác có khả năng sinh lời hơn như bất động sản.
Theo dự thảo thông tư, các đối tượng được vay từ chính sách hỗ trợ trên là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hộ hoặc nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội, theo thông báo của Bộ Xây dựng.
Về lãi suất cho vay, gói hỗ trợ trên dự kiến áp dụng lãi suất ổn định 6%/năm đến thời điểm 15/4/2016 (trong 3 năm). Thời hạn cho vay, đối với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà thì thời hạn cho vay tối thiểu 10 năm và tối đa là 5 năm đối với doanh nghiệp. Về số tiền được vay, khách hàng vay mua, thuê, thuê mua nhà thì số tiền vay tối thiểu là 80% phương án vay và 70% đối với doanh nghiệp. Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 10 năm.
|