Tin tức » Phân tích nhận định

Quỹ tiết kiệm nhà ở: Cái khó nằm ở khâu thực hiện

2012-06-29 10:55:47

Đề án Quỹ Tiết kiệm nhà ở vừa ra đời, mang lại nhiều hy vọng về nhà ở cho người thu nhập thấp, tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực từ đề án này.
 

Giá đất đang leo thang, nhiều người dân có mức thu nhập trung bình phải từ bỏ giấc mơ sở hữu một ngôi nhà thì Quỹ này lại mở ra một cơ hội giúp người dân tiếp cận được với nhà ở chốn thị thành. Tuy nhiên, không ít người lo ngại “siêu đề án” vẫn chưa rõ ràng, thiếu thực tế để cụ thể hóa giấc mơ đó.

Theo một điều tra mới đây, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300 - 400.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn và rất cần các nguồn vốn như Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Chính vì vậy, hai mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở đưa ra lần này đã được nhiều người đánh giá cao bởi nó giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở thực tế đã có ở nhiều nước trên thế giới, như: Trung Quốc, Singapore hay một số nước Bắc Âu, dưới nhiều tên gọi khác nhau. Họ đã làm và khá thành công. “Theo tôi, một trong những ưu điểm vượt trội của đề án lần này là tính tự nguyện.

Thay vì có tính bắt buộc và trích 1% lương của người lao động như trước đây, lần này người dân sẽ tự nguyện tham gia. Căn cứ theo nhu cầu khoản vay dự kiến, họ có quyền tham gia cuộc chơi sao cho vừa sức với mình. Qua đó, Quỹ này mở ra một cơ hội giúp cho người dân tiếp cận được với nhà ở thành thị, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM”, GS.Võ nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Hồng, vụ trưởng Vụ hành chính tài chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), mô hình này đã áp dụng tại nhiều nước trên thế giới và dựa trên rất nhiều yếu tố để thành công như: Nền kinh tế phát triển, ngân sách cho quỹ lớn; quản lý, giám sát chặt chẽ; thị trường ổn định và đời sống, thu nhập cũng như ý thức người lao động cao…

Tại Việt Nam, nền kinh tế đang phải đối mặt với lạm phát, thị trường bất ổn, quản lý lỏng lẻo, thiếu minh bạch và thu nhập bình quân đầu người quá thấp nên đề án khó khả thi nếu chỉ trông vào sự tự nguyện đóng góp của người lao động. Ngoài ra, đề án cũng chưa thực sự rõ ràng, chi tiết để thấy được tính hiệu quả, lợi ích cho người tham gia.

Việc huy động nguồn Quỹ từ tiền dự án, ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, một phần lợi nhuận từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc xổ số nhà ở… cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ khó thực hiện và nảy sinh tiêu cực. Chưa kể, việc chọn lọc đối tượng được ưu tiên sẽ phải cân đối nhằm tránh gây mâu thuẫn bởi tiền đóng quỹ một phần lấy từ tiền đóng hàng tháng của người có nhu cầu mua nhà.

(Cap nhat)